ngày 22/2/2019

3 “sát thủ” gây ra ung thư phổi



2019/2/photo1540626411846-15406264118462091908598.jpg

Hầu hết các trường hợp ung thư phổi đều liên quan đến thuốc lá. Những người hút thuốc và hít phải khói thuốc là đối tượng dễ mắc ung thư phổi nhất.

Ung thư phổi là bệnh ung thư bắt nguồn từ phổi. Các tế bào ung thư phát triển thành khối u, gây ức chế hoạt động của phổi. Ung thư phổi phát triển rất nhanh và mạnh, có nguy cơ gây tử vong cao. Tại Việt Nam, ung thư phổi là 1 trong những bệnh ung thư hàng đầu gây tử vong.

Thuốc lá – “nhà tài trợ” ung thư phổi

Hút thuốc, đặc biệt là thuốc lá điếu là tác nhân lớn nhất gây ra ung thư phổi. Tại Việt Nam, hằng năm có trên 20.000 ca tử vong do ung thư phổi, khoảng 90% trong số đó liên quan đến thuốc lá. Việt Nam cũng là nước nằm trong top 15 nước hút thuốc lá nhiều nhất.

Theo nghiên cứu, trong khói thuốc lá có ít nhất 60 chất độc có thể gây ung thư và 1 đồng vị phóng xạ Poloni-210. Các chất này có thể khiến các tế bào biểu mô phế quản sinh ra vẩy trồi lên biểu mô. Theo thời gian chúng sẽ phát triển lên thành ung thư.

Các loại sản phẩm thuốc lá khác cũng có nguy cơ tăng ung thư phổi như: xì gà, thuốc lào, thuốc lá nhai, cần sa.

Và kể cả bạn không hút thuốc, bạn vẫn có nguy cơ mắc ung thư phổi do thuốc lá. Những người hút thuốc lá thụ động có nguy cơ mắc bệnh từ 20-30%. Tại Việt Nam, có 15 triệu người hút thuốc thực sự. Trong khi đó, có đến 40 triệu người hút thuốc thụ động. Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, khói thuốc lá bay ra từ điếu thuốc đang cháy gây hại hơn nhiều so với loại khói người hút hít vào. Đó là lí do nhiều phụ nữ vẫn mắc phải ung thư phổi dù không hút thuốc.

Việc từ bỏ hút thuốc là việc cần phải làm ngay lập tức.

Khí Radon – “sát thủ” ung thư phổi thầm lặng

Radon được sinh ra từ sự phân rã Urani, có mặt ở hầu hết các nơi trên Trái Đất. Đây là chất ô nhiễm không khí tự nhiên, đi xuyên qua các kẽ nứt của các tòa nhà và các lỗ nhỏ trên nền đất. Theo nghiên cứu của EPA Hoa Kỳ, nồng độ Radon ngoài trời thấp hơn trong nhà. Nồng độ Radon ngoài trời thường khoảng 10Bq/m3; nhưng trong nhà có thể từ 20 - 10.000Bq/m3, hoặc thậm chí nhiều hơn nữa.

Radon phân hủy tạo thành những phần tử đi vào phổi, gây tổn thương phóng xạ. Hít càng nhiều Radon, nguy cơ mắc ung thư phổi càng cao.

Tại Anh, có khoảng 18.000 ca tử vong ung thư phổi mỗi năm là do loại khí này. Và ở Mỹ, con số này lên tới 21.000 người. Ở Việt Nam hiện nay, chưa có văn bản chính thức khuyến cáo mức độ Radon cần can thiệp. Tuy nhiên, việc tiếp xúc với Radon một thời gian dài cũng khiến nguy cơ ung thư phổi xuất hiện.

Một phương pháp có thể dễ dàng áp dụng là làm tăng luồng thông gió trong nhà, giúp không khí được di chuyển dễ dàng.

Phơi nhiễm hóa chất và ô nhiễm môi trường

Phơi nhiễm với một số hóa chất và chất được sử dụng trong một số ngành nghề và ngành công nghiệp có liên quan đến nguy cơ phát triển ung thư phổi cao. Những hóa chất và chất này bao gồm: asen, amiăng, berili, cadmium, khói than và than cốc, silica, niken.

Một nghiên cứu đã cho thấy rằng, việc tiếp xúc với một lượng lớn khói diesel trong nhiều năm có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi lên tới 50%. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nguy cơ phát triển ung thư phổi của bạn tăng khoảng một phần ba nếu bạn sống ở khu vực có lượng khí oxit nitơ cao (chủ yếu được sản xuất bởi ô tô và các phương tiện khác).

Ngoài ra, những người mắc bệnh phổi mãn tính, có người nhà mắc ung thư phổi đều có nguy cơ mắc ung thư phổi. Hãy chủ động phòng ngừa và phát hiện bệnh sớm để được chữa trị kịp thời.