Các biện pháp chẩn đoán ung thư đại tràng
Các biện pháp chẩn đoán ung thư đại tràng
1. Các dấu hiệu bệnh ung thư đại tràng
Các dấu hiệu nguy cơ của bệnh ung thư đại tràng
- Rối loạn tiêu hóa kéo dài: Ợ hơi, ợ chua, nôn hoặc buồn nôn, đau quặn hoặc đau râm ran vùng bụng, chán ăn, khó tiêu, hay đầy trướng bụng, cảm giác ăn không ngon miệng, có thể bị táo bón hay tiêu chảy...
- Giảm cân không rõ nguyên nhân: Giảm cân mà không do chế độ ăn uống hay tập luyện là một dấu hiệu hay gặp trong các bệnh ung thư.
- Rối loạn bài tiết phân: Tình trạng đi ngoài táo lỏng thất thường diễn ra kéo dài, đau quặn, cảm thấy khó chịu khi đi ngoài. Phân thay đổi hình dạng mỏng, hẹp hơn so với bình thường.
- Xuất hiện máu trong phân: Đại tiện thấy có máu trong phân, máu thường không phải đỏ tươi mà màu như máu cá do lẫn nhầy trong đại tràng. Tuy nhiên có thể có máu vi thể mà mắt thường không phát hiện được
- Thiếu máu không tìm được nguyên nhân: Nếu người bệnh bị thiếu máu không tìm được nguyên nhân có thể do các khối u gây ra, mất máu qua đường tiêu hóa( do loét dạ dày, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng...)
- Mệt mỏi, suy nhược: Là triệu chứng hay gặp nhưng thường bị bỏ qua. Người bệnh cảm giác không muốn làm việc, cảm thấy kiệt sức, cơ thể suy nhược nhanh chóng
- Nếu khối u to người bệnh có thể sờ thấy khối ở vùng bụng, cứng chắc, đau và không di chuyển. Ngoài ra có thể biểu hiện thông qua những biến chứng như tắc ruột, thủng ruột...
2. Các biện pháp chẩn đoán ung thư đại tràng
Dựa vào các yếu tố nguy cơ và dấu hiệu bệnh để định hướng chẩn đoán bệnh ung thư đại tràng, để chẩn đoán chính xác cần kết hợp với các phương pháp cận lâm sàng:
- Siêu âm ổ bụng: Siêu âm để phát hiện được khối u trong khung đại tràng rất khó, vì đường tiêu hóa nhiều hơi làm cản trở tia siêu âm. Tuy nhiên có thể thấy các dấu hiệu gián tiếp như lồng ruột, tắc ruột, thành đại tràng dày...
- Xét nghiệm máu trong phân: Ung thư đại tràng ở giai đoạn sớm thường gây chảy máu nhưng lượng ít mắt thường không thấy được, xét nghiệm tìm máu trong phân để phát hiện sớm tổn thương tại đại trực tràng.
- Xét nghiệm các marker ung thư CEA, CA 19.9, CA 125....trong máu. Nội soi đại tràng kết hợp sinh thiết: Đây là phương pháp chẩn đoán xác định, nội soi đại tràng phát hiện các bệnh lý tại đại tràng và trực tràng. Nếu phát hiện khối bất thường lấy mô và tiến hành sinh thiết để xác định u lành hay u ác tính.
- Nội soi đại tràng thường xuyên ở những người có nguy cơ cao giúp tầm soát và phát hiện sớm bệnh.
- Chụp CT scanner để phát hiện di căn đến các cơ quan xung quanh.
- Chụp MRI phát hiện có di căn hạch chưa.
3. Tầm soát và điều trị ung thư đại tràng
Tầm soát nhằm phát hiện sớm ung thư đại tràng mang lại hiệu quả điều trị cao.
Tỷ lệ sống trên 5 năm rất cao lên đến 90% đối với những người được phát hiện và điều trị sớm. Ung thư đại tràng có thể được phát hiện hiện sớm bằng những phương pháp cận lâm sàng. Người trên 40 tuổi hay những người có yếu tố nguy cơ cao nên thường xuyên đến cơ sở y tế uy tín để tầm soát, khám định kỳ để phát hiện sớm bệnh.